NHỮNG
NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
NGUYÊN
TẮC 1: CHỊU TRÁCH NHIỆM 100% CUỘC SỐNG CỦA CHÍNH BẠN (Bài 4)
BẠN PHẢI TỪ BỎ THÓI QUEN PHÀN NÀN
Người phàn nàn về cách quả bóng bật
lên rất có thể là người đã làm rơi quả bóng (LOU HOLTZ - Vị huấn luyện viên duy
nhất trong lịch sử NCAA, người đạt danh hiệu vô địch quốc gia và danh hiệu Huấn
luyện viên xuất sắc của năm)
Chúng ta hãy dành thời gian suy nghĩ
nghiêm túc về thói quen phàn nàn. Để có thể phàn nàn về một việc gì hay một ai
đó, bạn cần phải tin rằng có một thứ khác tốt hơn. Bạn cũng cần phải đề cập tới
những thứ khiến bạn hài lòng hơn song lại không sẵn lòng chịu trách nhiệm tạo
ra những thứ đó. Chúng ta hãy xem xét tỉ mỉ hơn.
Nếu bạn không tin rằng còn có những
thứ tốt đẹp hơn - chẳng hạn sở hữu nhiều tiền hơn, một căn nhà to đẹp hơn, một
công việc tốt hơn, một cuộc sống vui vẻ hơn và một người bạn đời thương yêu
mình hơn – thì hẳn bạn đã không phàn nàn. Như vậy, bạn mường tượng tới những sự
việc tốt đẹp hơn và hiểu rằng mình thích được như vậy song bạn lại không sẵn
lòng mạo hiểm để đạt đến đó.
Hãy nghĩ xem… người ta chỉ phàn nàn
về những việc họ có thể cải thiện được. Chúng ta chẳng bao giờ kêu ca về những
thứ chúng ta không thể thay đổi. Bạn đã từng nghe ai phàn nàn về lực hấp dẫn
chưa? Hẳn là chưa bao giờ. Thế bạn có nghe một ông cụ, bà cụ bị còng lưng đi
xuống phố kêu ca về trọng lực bao giờ không? Dĩ nhiên câu trả lời là “không”.
Nhưng tại sao lại là “không”? Nếu
không có trọng lực, người ta đã không bị ngã cầu thang, máy bay không bị rơi và
chúng ta cũng chẳng làm vỡ bát đĩa. Song lại chẳng ai kêu ca gì cả. Và nguyên
nhân nằm ở chỗ, trọng lực tồn tại. Không ai có thể thay đổi trọng lực, do vậy,
mọi người đều chấp nhận. Thực tế, nhờ vậy mà chúng ta biết tận dụng trọng lực
phục vụ cho đời sống. Chúng ta xây các công trình thủy lợi dẫn nước từ trên núi
xuống, chúng ta đào cống để dẫn nước thải.
Thú vị hơn, chúng ta còn biết cách
sử dụng trọng lực để giải trí. Hầu hết các môn thể thao đều vận dụng trọng lực,
từ trượt tuyết, nhảy cao, nhảy dù, ném đĩa, bóng rổ, bóng chày cho tới chơi
golf.
Những tình huống bạn phàn nàn thực
chất bạn đều có thể cải thiện được song bạn lại chọn cách không làm gì cả. Bạn
có thể đi tìm công việc tốt hơn, một ý trung nhân yêu thương bạn hơn, kiếm
nhiều tiền hơn, chuyển tới một căn hộ to đẹp hơn, rời tới một thành phố trong
lành hơn và ăn các đồ ăn có lợi cho sức khỏe hơn. Song để có được tất cả những
điều này, bạn cần thay đổi.
Tương ứng với loạt tình huống tôi đã
đề cập phần trước, bạn có thể:
Học cách nấu các món ăn có lợi cho
sức khỏe.
Từ chối thẳng thừng.
Bỏ việc và đi tìm công việc mới tốt
hơn.
Tận tụy với công việc.
Tin tưởng vào tình cảm của mình.
Quay lại trường và theo đuổi ước mơ.
Quan tâm chăm sóc những gì mình đang
có.
Yêu cầu giúp đỡ.
Yêu cầu mọi người trợ giúp.
Tham gia vào một lớp học phát triển
bản thân.
Tránh xa bọn xấu.
Song tại sao bạn lại không làm được?
Bởi để làm những việc trên, bạn cần mạo hiểm. Bạn phải chấp nhận rủi ro bị thất
nghiệp, bị bỏ rơi, bị cười nhạo và bị mọi người phán xét. Bạn phải chấp nhận
nguy cơ thất bại, bị phản đối hay bước đi sai lầm. Bạn phải chấp nhận rủi ro
cha mẹ, bạn bè hay bạn đời có thể bất đồng với bạn. Để thay đổi, bạn cần nỗ
lực, thời gian và cả tiền bạc nữa. Thay đổi có thể khiến bạn thấy khó khăn,
không thoải mái hay hoang mang. Do vậy, để trốn tránh những cảm giác này, bạn
dậm chân tại chỗ và phàn nàn về hiện tại.
Như tôi đã đề cập, bạn phàn nàn
chứng tỏ bạn đang nghĩ tới những điều tốt đẹp hơn song lại không dám thực hiện.
Hoặc là bạn phải chấp nhận lựa chọn hiện tại của bản thân, tự chịu trách nhiệm
và thôi kêu ca… hoặc là bạn hãy mạo hiểm thay đổi cuộc sống theo ý muốn.
Nếu bạn muốn đi từ nơi bạn đang đứng
tới nơi bạn muốn tới, hiển nhiên bạn phải biết chấp nhận rủi ro.
Do đó, hãy ra quyết định và thôi
phàn nàn, đừng mất thời gian với những kẻ hay kêu ca và hãy bắt tay gây dựng
cuộc sống mơ ước của mình.
0 comments:
Đăng nhận xét