NHỮNG
NGUYÊN TẮC THÀNH CÔNG
NGUYÊN
TẮC 1: CHỊU TRÁCH NHIỆM 100% CUỘC SỐNG CỦA CHÍNH BẠN (Bài 5)
BẠN
ĐANG PHÀN NÀN SAI ĐỐI TƯỢNG
Bạn có bao giờ nhận thấy rằng, mọi
người luôn phàn nàn nhầm đối tượng - họ kêu ca với những người chẳng thể làm gì
giúp họ? Họ tới công sở, phàn nàn về vợ/chồng mình; rồi khi về nhà lại phàn nàn
về khách hàng, đồng nghiệp. Tại sao thế? Bởi làm như vậy vừa dễ dàng lại vừa an
toàn hơn. Có can đảm, bạn mới dám nói với vợ/chồng mình rằng bạn không hài lòng
với cuộc sống gia đình. Có can đảm, bạn mới dám yêu cầu vợ/chồng thay đổi cách
xử sự. Tương tự, có can đảm bạn mới dám yêu cầu cấp trên lên lịch làm việc khoa
học hơn, để bạn không phải làm việc cuối tuần. Việc này chỉ có cấp trên bạn mới
làm được. Dù có kêu ca phàn nàn thì vợ/chồng bạn cũng chẳng thể giúp được gì.
Thay vì phàn nàn, hãy học cách đưa
ra yêu cầu và thực hiện những công việc có thể đem lại cho bạn kết quả mong
muốn. Đó chính là cách làm của những người thành đạt. Đó chính là cách để mọi
việc tiến triển. Nếu bạn thấy mình đang lâm vào một tình cảnh không mong muốn,
hãy cải thiện sự việc hoặc bỏ đi. Hoặc là thay đổi hoặc là rời bỏ. Hoặc đồng ý
cùng nhau cải thiện mối quan hệ hoặc ly dị. Hoặc cố gắng cải thiện điều kiện
làm việc hoặc đi tìm công việc mới. Chọn một trong hai cách, bạn sẽ có được
thay đổi. Theo một câu ngạn ngữ cổ: “Đừng chỉ ngồi một chỗ (và than phiền), hãy
hành động”. Và nhớ rằng, chính bạn là người có thể tạo ra thay đổi để trở nên
khác biệt. Bạn không thể trông đợi gì vào thế giới bên ngoài. Chính bạn phải
tạo ra những điều đó.
BẠN
TẠO RA MỌI VIỆC TRỰC TIẾP HOẶC GIÁN TIẾP
Bạn phải hiểu rằng chính mình đã
trực tiếp hay gián tiếp tạo ra mọi việc. Tôi nói tạo ra với ý bạn có thể trực
tiếp thúc đẩy mọi việc diễn ra. Thông qua hành động hay bằng cách không làm gì
cả. Nếu bạn tiến lại chỗ một anh chàng to lớn đang say mèm trong quán bar và
mắng vào mặt anh ta rằng: “Mày thật xấu xí và ngu dốt”, anh ta sẽ nhảy qua ghế
và thụi vào mặt bạn. Kết quả, bạn phải vào viện. Chính bạn là người gây ra hậu
quả này. Đây là một ví dụ dễ hiểu.
Ví dụ thứ hai có thể khó hiểu hơn
một chút: Bạn luôn làm việc muộn. Bạn về nhà trong tình trạng mệt lử, ăn tối trong khi đầu óc mê man rồi ngồi phịch xuống trước
ti vi, xem bóng rổ. Bạn quá mệt mỏi, không còn đủ sức để làm bất kì việc gì
khác như đi dạo hay chơi cùng bọn trẻ. Việc này diễn ra trong thời gian dài. Vợ
bạn muốn nói chuyện cùng bạn. Bạn trả lời: “Để sau đã!” Ba năm sau, bạn về nhà,
căn nhà trống rỗng. Vợ bạn đã bỏ đi, mang theo bọn trẻ và để lại cho bạn một lá
thư. Chính bạn cũng là người gây ra hậu quả này!
Trong những trường hợp khác, chúng
ta đơn giản để mặc mọi việc diễn ra bằng cách không làm gì cả và ngần ngại thực
hiện những hành động cần thiết để đem lại hay giữ được kết quả mình mong muốn:
+ Bạn đã không phạt bọn trẻ khi
chúng không nghe lời, không tự thu dọn đồ đạc và giờ đây căn nhà trông như một
bãi chiến trường.
+ Bạn không yêu cầu chồng mình tham
gia vào các buổi tư vấn cũng không bỏ đi khi lần đầu tiên anh ta đánh bạn, vì
vậy giờ đây, bạn vẫn bị đánh đập.
+ Do quá bận rộn nên bạn không tham
gia buổi hội thảo bán hàng hay nâng cao kỹ năng nghề nghiệp nào và giờ đây, cô
đồng nghiệp mới giành được giải người bán hàng giỏi nhất.
+ Bạn không có thì giờ huấn luyện lũ
chó và giờ đây, chúng không nghe lời ai cả.
+ Bạn không có thì giờ bảo dưỡng xe
và giờ đây, bạn phải ngồi bên vệ đường cùng với chiếc xe hỏng.
+ Bạn không quay lại trường để học
thêm và giờ đây, bạn bỏ lỡ cơ hội được thăng chức.
+ Bạn cần ý thức rằng, ở đây bạn
không phải là nạn nhân. Bạn đã khoanh tay ngồi yên và để mặc mọi việc diễn ra.
Bạn không nói gì cả, không đưa ra yêu cầu, đề xuất nào, không từ chối, không cố
thử làm việc gì mới mẻ cũng không bỏ đi.
0 comments:
Đăng nhận xét